Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -Rối chuyện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Sáng 28-8 Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đã có nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề này.



Ảnh: Hoàng Long
Phân luồng học sinh từ lớp 10
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải theo hướng phân luồng đối tượng học, tránh tình trạng chỉ có một con đường duy nhất cho học sinh sau tốt nghiệp PTTH là vào đại học gây tình trạng ế thừa cử nhân như hiện nay. GS Văn Như Cương đề nghị cần phân hóa, phân loại, phân luồng và phân ban học sinh ngay từ lớp 10 để học sinh có định hướng nghề nghiệp sớm. Như vậy, các trường sẽ căn cứ vào điểm đầu vào để phân luồng đối tượng học sinh. Trong trường hợp học sinh không đủ điểm để học ở lớp sau này có điều kiện thi đại học sẽ được dạy, định hướng nghề nghiệp ngay trong trường THPT để sau này khi ra trường các em chỉ cần học thêm 1-2 năm nghề là hoàn toàn có thể có một nghề cơ bản để mưu sinh. Muốn làm được điều này phải có ít nhất 2 chương trình sách giáo khoa chứ không chỉ nhất nhất một chương trình như hiện nay.
Đồng quan điểm, GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng: Vấn đề phân luồng học sinh đã được bàn đi tính lại 17 năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Phân luồng có nghĩa có là học sinh có thể vào thị trường lao động, đi học nghề, học trung cấp nghề. GS Hạc đề nghị nên đổi chương trình giáo dục PTTH thành "hướng học” và "hướng nghiệp”. Hướng học là vào một số trường ĐH, CĐ, TC còn hướng nghiệp là tham gia ngay vào thị trường lao động.
9+3 hay 10+2?
Rất nhiều ý kiến quan tâm xung quanh việc có nên tăng thêm 1 năm cho bậc THCS hay không? PGS Trần Thị Tâm Đan đồng tình giáo dục cơ bản nên dạy đến lớp 10 còn 2 năm tiếp sau giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo bà Đan cấp tiểu học sẽ học 5 năm, còn THCS sẽ học thêm 1 năm. GS Hồ Ngọc Đại lại đề xuất, bậc Tiểu học nên kéo dài 6 năm còn THCS giữ nguyên.
Không đồng tình với 2 quan điểm trên, GS Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề "không hiểu vì lẽ gì mà Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị kéo dài thêm 1 năm THCS. Việc thêm 1 năm này có giúp trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh và sẽ giúp gì cho định hướng chương trình giáo dục phổ thông không? Phân tích kỹ những tác động từ việc áp dụng mô hình này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục, GS Thuyết cho rằng: Trong khi chương trình THPT có 3 năm mà các trường đã tự ý cắt, xén môn học thì trong tương lai nếu chỉ còn 2 năm không biết chuyện bớt xén sẽ phát triển thế nào? Cái khó nhất vẫn nằm ở việc điều chỉnh, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên giữa hai cấp học. Ai sẽ là người xuống THCS để dạy lớp 10 trong khi biên chế, chức danh bậc lương của giáo viên các cấp rất khác nhau. Chưa kể đến chuyện mỗi trường THCS phải thêm một khối lớp 10 trong lúc khó khăn về cơ sở vật chất sẽ bố trí học kiểu gì? Rõ ràng việc thêm 1 năm cho THCS sẽ tạo ra rất nhiều xáo trộn và khó khăn.
Đồng quan điểm không nên chỉ đưa ra đề án gây xôn xao dư luận mà không bàn bạc kỹ tới những tác động, GS Phạm Vũ Nhật Tiến cho rằng, chủ trương thêm 1 năm cấp học THCS là chủ quan mà không để ý đến những tác động tiêu cực của nó.
Ai là người lựa chọn sách giáo khoa?
Vấn đề đổi mới chương trình làm sách giáo khoa cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. PGS Trần Thị Tâm Đan đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo nên lãnh lấy việc làm một bộ sách giáo khoa chuẩn chỉ, phần còn lại xã hội hóa, tổ chức cá nhân muốn làm sách giáo khoa đều được. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Khuyến khích biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng có lợi cho người dạy và người học nhưng khả năng sai sót sẽ có thể xảy ra. Vì vậy phải có cơ chế lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa. Theo ông Thuyết để tránh sai sót Bộ Giáo dục Đào tạo nên làm sách giáo khoa bậc tiểu học và khoa học xã hội, còn các môn học khác thì xã hội hóa để tránh gánh nặng cho ngân sách.
Còn GS Phạm Minh Hạc đặt câu hỏi: Ai sẽ là người được quyền chọn sách giáo khoa, trường, quận, huyện? Nếu không quy định thì sau sẽ rất lúng túng. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cho rằng: Xã hội hóa việc viết sách là đúng nhưng yêu cầu chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc chuẩn bị 1 bộ sách giáo khoa chuẩn phải do Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì. Nhưng theo ông Thi, đích cuối cùng của việc đổi mới chương trình là vì học sinh, vì chất lượng giáo dục chứ không phải vì chuyện bình đẳng giữa các nhà sản xuất, chuyện cạnh tranh là thứ yếu.
GS Hồ Ngọc Đại: Học vấn phải trở thành lẽ sống của người học
Bước vào thế kỷ 21 tư duy của thế hệ trẻ toàn thế giới và của Việt Nam đã khác hoàn toàn thế kỷ trước. Nếu trước đây, trẻ con chỉ cần phấn đấu bằng cha, bằng ông hoặc hơn một chút thì nay quan niệm sống đã thay đổi. Điều đó có nghĩa, đối tượng của giáo dục đã khác trước. Chúng ta phải ý thức một điều phải có trẻ con mới xây dựng trường, mới có giáo viên và các thiết chế khác. Thế nhưng, khi xây dựng các chương trình học tất cả người lớn bàn với nhau không ai hỏi thẳng trẻ con xem chúng muốn gì?

Lục Bình
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Dan Guitar Gia Re, Mua Bán Đàn Gui tar cũ giá rẻ ở Hà Nội
Designed by Admin

Back to top